Theo các chuyên gia, ngành du lịch miền Bắc tổn thất lớn trong bão Yagi nhưng sẽ sớm phục hồi để kịp đón khách quốc tế mùa cao điểm từ tháng 10.
Ngày 17/9, chính phủ yêu cầu các cấp hỗ trợ “nhanh, trực tiếp” cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại sau bão. Thời gian thực hiện trong tháng 9 và 10. Một số chính sách cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài đến hết 2025.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng của bão Yagi cho biết “rất mừng” trước chính sách hỗ trợ của chính phủ. Ngoại trừ Cát Bà, địa phương đang “tê liệt” vì hậu quả nặng nề sau bão, nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh đã nhanh chóng dọn dẹp đường phố, thu gom cây đổ, rác thải, khôi phục cảnh quan.
Hạ Long đã phát động chiến dịch làm sạch vịnh Hạ Long nhằm giảm bớt rác thải gây mất mỹ quan, khôi phục cảnh quan. Tính đến 13/9, gần 5.200 phòng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao (chiếm 60% tổng số phòng) và hơn 8.500 phòng đạt tiêu chuẩn 1-3 sao tại Hạ Long đã sẵn sàng đón khách.
Những trung tâm du lịch ở miền núi phía bắc như Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang đã đón khách trở lại dù đường sá đi lại vẫn còn khó khăn do hậu quả sạt lở đất và mưa, lũ. “Đây là tín hiệu phục hồi đầy lạc quan với ngành du lịch”, Tổng Giám đốc Tràng An Travel Nguyễn Hữu Cường nhận xét.
Ông Cường cho biết chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có các trung tâm du lịch lớn, bị ảnh hưởng nhưng đã sớm được khắc phục. Một số tour tuyến đưa khách đến Hà Nội – Hạ Long đã được khơi thông trở lại. Với đà khắc phục sự cố như hiện nay, ông Cường tin rằng chỉ trong 1-2 tháng tới, dịch vụ du lịch miền Bắc sẽ ổn định hoàn toàn.
“Chúng ta cần đưa dịch vụ du lịch miền Bắc trở về thời điểm như trước bão Yagi càng sớm càng tốt”, Tổng giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết vì Việt Nam sắp vào mùa cao điểm du lịch. Mùa cao điểm khách quốc tế bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Do đó, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch miền Bắc đang gần như chạy đua với thời gian để kịp đón khách.
Bão lũ khiến ngành du thuyền Hạ Long – Cát Bà tổn thất “nặng hơn cả dịch Covid-19”. Nhiều cơ sở lưu trú, vui chơi tan hoang và tốn chi phí để khôi phục lại. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh hôm 13/9, 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm. Tại Hải Phòng, số xuồng, tàu thuyền bị hư hỏng, chìm là 23. Tuy nhiên, theo ông Đạt, đây chỉ là khó khăn cục bộ. Do đó, hầu hết các điểm đến, doanh nghiệp dịch vụ đều có thể “hồi sức” sau một tháng.
Với các tỉnh thành ít bị ảnh hưởng du lịch như Ninh Bình, Hà Giang, Lào Cai, ông Đạt tin rằng thời gian để chuỗi cung ứng gồm đường sá – đội xe – cơ sở lưu trú – điểm tham quan – nhân sự phục vụ hồi phục là nửa tháng.
CEO Phạm Hà của Lux Group cho biết hai du thuyền của công ty gồm Emper Cruises Legacy Hạ Long và Heritage Bình Chuẩn, chỉ bị hư hại nhẹ nên đã đón khách trở lại. Tính đến nay, hai tàu đã đón 6 đoàn, mỗi đoàn gần 100 khách và chủ yếu là khách quốc tế.
Ông Hà cho biết công ty đã nỗ lực khắc phục và sửa chữa hai tàu chở khách nhanh nhất có thể. Từ nay đến cuối tháng, hai tàu của ông cũng gần như kín lịch đón khách. Ngoài khách đặt qua công ty, hai tàu của Lux Group còn hỗ trợ nhận thêm khách từ các tàu du lịch khác tại Hạ Long bị chìm hoặc thiệt hại nặng trong bão Yagi. Trong tháng 10, hai tàu sẽ dần kín khách.
“Có thể khách quốc tế vẫn còn e ngại tình hình sau bão chưa ổn định nên chưa đặt sớm”, ông Hà cho hay.